Một phiên họp của Chính phủ - Ảnh: VGP
Bộ Tư pháp đang thẩm định dự án Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi.
Theo tờ trình của Bộ Nội vụ, việc xây dựng dự luật nhằm sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng, các thành viên Chính phủ.
Hoàn thiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Thủ tướngBộ Nội vụ nêu rõ dự luật nhằm hoàn thiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng.
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng chủ yếu tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động Chính phủ.
Tuy nhiên qua rà soát 257 luật chuyên ngành, có 152/257 luật đang quy định nhiệm vụ và thẩm quyền của Thủ tướng thì Thủ tướng được giao quyết định rất nhiều quyền hạn cụ thể.
Trên cơ sở nguyên tắc phân định thẩm quyền của Thủ tướng tại dự luật, nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng được biên tập theo các nhóm.
Bao gồm các nội dung trình Quốc hội; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trình Chủ tịch nước.
Bộ Nội vụ: Dự kiến không còn 13 tổng cục, giảm 518 cục và 218 vụĐỌC NGAYCác nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ (không quyết định các vấn đề cụ thể trong việc quản lý nhà nước với ngành, lĩnh vực).
Cũng căn cứ nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định tại dự luật, cần rà soát các luật chuyên ngành để chuyển các thẩm quyền quyết định cụ thể của Thủ tướng với các nội dung quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực sang cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ hoặc chính quyền địa phương.
Việc này bảo đảm tăng cường trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương theo tinh thần đẩy mạnh phân cấp của Thủ tướng (các vấn đề quan trọng, liên ngành đang giao Thủ tưởng sẽ được chuyển Chính phủ thống nhất quản lý).
Trong trường hợp chưa sửa đổi được các luật chuyên ngành, Thủ tướng quyết định phân cấp theo thẩm quyền cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ hoặc chính quyền địa phương theo yêu cầu đẩy mạnh phân cấp trong tình hình mới.
Các quy định tại dự luật đã thể hiện rõ chính sách về phân định thẩm quyền giữa Thủ tướng với bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Đồng thời hoàn thiện trách nhiệm của Thủ tướng. Theo đó bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của Thủ tướng với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của Thủ tướng với tư cách là thành viên Chính phủ có trách nhiệm giải trình, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Bổ sung quy định việc Thủ tướng thay mặt Chính phủ hoặc ủy quyền cho thành viên Chính phủ ký các văn bản của Chính phủ.
Đề xuất mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủBộ Nội vụ đề xuất hoàn thiện về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ theo các nhóm. Gồm các nội dung trình Quốc hội; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ theo Hiến pháp 2013.
Các nội dung Chính phủ sẽ thực hiện theo chức năng của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.
Trong đó Chính phủ thống nhất phân công phạm vi quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực với các bộ, cơ quan ngang bộ và phân cấp cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Thực hiện phân cấp đối với chính quyền địa phương cấp tỉnh quyết định hoặc thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực trên địa bàn quản lý phù hợp với điều kiện và khả năng của chính quyền địa phương.
Việc xác định nhiệm vụ, quyền hạn này bảo đảm cho Chính phủ thực hiện chức năng của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp.
Tạo điều kiện cho Chính phủ chủ động, linh hoạt và tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, công cụ kiểm tra, giám sát, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính quốc gia.
Cùng với đó Chính phủ sẽ quyết định các chính sách phát triển ngành, vùng, địa phương (trừ những chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và những nội dung đã phân quyền với địa phương).
Điều này sẽ đảm bảo Chính phủ thống nhất quản lý mọi mặt đời sống xã hội, trừ những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vấn đề đã phân quyền cho chính quyền địa phương theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các luật chuyên ngành.