Đây là một trong những hoạt động thường niên, không chỉ giúp các em học sinh được tìm hiểu, trải nghiệm và gìn giữ những nét đẹp trong phong tục văn hóa truyền thống của người Việt Nam, mà còn để tuyên truyền, quảng bá hơn nữa nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam đến với đông đảo các bạn học sinh và người dân Lào.
Hoạt động gói bánh chưng của Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du. Ảnh: Xuân Tú/PV TTXVN tại Lào
Cách bày trí cảnh quan và công tác chuẩn bị chu đáo cho hoạt động trải nghiệm gói bánh chưng đón Tết cổ truyền cho thấy những tình cảm yêu thương, ấm áp và cả sự gần gũi giữa các cô, trò và các vị phụ huynh học sinh của Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du dành cho các em học sinh. Đây cũng là thời điểm mà các em học sinh vừa trải qua kỳ thi Học kỳ I của năm học. Để chuẩn bị gói những chiếc bánh chưng, từ ngày hôm trước, các cô giáo và các bậc phụ huynh của nhà trường đã phải chuẩn bị những nguyên vật liệu cần thiết như lá dong, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn…
Buổi gói bánh chưng, ngoài các cô giáo và các bậc phụ huynh, còn có đông đảo các em học sinh. Ai nấy đều háo hức chờ đợi để được tự tay gói những chiếc bánh chưng. Đây là năm đầu tiên em Phạm Thị Trà Giang, học sinh lớp 9A được tham gia hoạt động này bởi em cũng là một học sinh mới chuyển từ Việt Nam sang Lào.
Trà Giang chia sẻ khi được tận tay gói những chiếc bánh chưng, em cảm thấy rất vui mừng và tự hào vì khi đi sang Lào cũng được cảm nhận không khí Tết như ở quê hương Việt Nam. Ban đầu, em còn long ngóng, nhưng sau khi được các cô hướng dẫn rất tận tình, chỉ bảo từng công đoạn, em đã tự tay gói được 5 chiếc bánh chưng. Em cảm thấy đây là một hoạt động rất là có ý nghĩa vì đã tôn vinh được vẻ đẹp của quê hương và đất nước Việt Nam.
Trần Hiểu Anh, học sinh lớp 11A Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du chia sẻ về ý nghĩa của hoạt động gói bánh chưng. Ảnh: Xuân Tú/PV TTXVN tại Lào
Còn đối với em Trần Hiểu Anh, học sinh lớp 11A, mỗi khi Tết đến Xuân về,789 club trong mâm cỗ người Việt ngày Tết cổ truyền dù ở đâu cũng không thể thiếu chiếc bánh chưng xanh, một món ăn đặc trưng của dân tộc. Đây chính là nét đẹp truyền thống của người Việt có từ bao đời nay. Mặc dù Trần Hiểu Anh đã nhiều lần được tham gia gói bánh chưng cùng với các cô và bạn bè, nhưng cứ vào mỗi dịp này, em lại mong đợi để thi học kỳ xong rồi được xuống hội trường để cùng các cô tận tay gói những chiếc bánh chưng.
Trần Hiểu Anh chia sẻ là học sinh đang học tập tại nước ngoài, hằng năm nhà trường vẫn thường xuyên có các hoạt động ngoại khóa nhân dịp các ngày lễ tết của hai đất nước, do vậy em hiểu rằng việc gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống và tuyên truyền tới bạn bè em cũng chính là thể hiện tình yêu quê hương đất nước.
Hiệu trưởng Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du Nguyễn Thị Thanh Hương trả lời phỏng vấn. Ảnh: Xuân Tú/PV TTXVN tại Lào
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Lào, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du, cho biết đây là năm thứ 3 nhà trường tổ chức hoạt động gói bánh chưng và là một trong những hoạt động ngoại khóa có ý nghĩa để các em được trải nghiệm và tích lũy thêm nhiều kỹ năng sống, qua đó nhớ đến cội nguồn của mình, có ý thức giữ gìn, lan tỏa tới các bạn của mình là người Lào về văn hóa và truyền thống của người Việt Nam mỗi khi Tết đến Xuân về.
Hoạt động gói bánh chưng của cô, trò Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du không chỉ có ý nghĩa về tình yêu dân tộc, sự gắn kết giữa con người với con người, mà còn giúp bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa Việt Nam trong cộng đồng, góp phần thu ngắn khoảng cách giữa các thế hệ, kết nối gia đình và nhà trường, cha mẹ với con cái, bạn bè với bạn bè, để cuộc sống dù nhộn nhịp, vội vã đến đâu, mọi người đều có những khoảng thời gian để cùng nhau cảm nhận về Tết cổ truyền đặc biệt trong mỗi gia đình và của dân tộc Việt Nam.
Những chiếc bánh chưng xanh sau khi được luộc chín cũng là “món quà” mà các cô Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du dành tặng các em trước khi đón Tết Ất Tỵ năm 2025.